Tâm – Thể: Sự Hòa Quyện Dưỡng Sinh Đến Cảnh Giới Chưa Từng Có

Trong lịch sử Đông y, dưỡng sinh luôn được xem là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tật, tăng cường sức khỏe, chống lại quá trình lão hóa và gia tăng tuổi thọ. Nếu cảnh giới tối cao của Đông y là dưỡng sinh, thì dưỡng tâm chính là cảnh giới tối cao của dưỡng sinh.

Danh y Tôn Tư Mạc (581-682) từng phát biểu rằng: “Dưỡng sinh là việc nuôi dưỡng bản tính thiện trong con người. Khi bản tính tốt lành, bệnh tật không thể xâm nhập từ bên trong hay bên ngoài; hoạn nạn và tai ương cũng không tìm thấy cớ để xảy ra. Đó chính là đạo lớn của dưỡng sinh… Nếu đức hạnh chưa hoàn thiện, dù có sử dụng ‘kim đan diệu dược’ cũng không thể gia tăng tuổi thọ.” Khái niệm “ưu tiên đức hạnh hơn tiên đan” cũng xuất phát từ ý nghĩa này. Chính bản thân Tôn Tư Mạc đã kiên trì tu tập và dưỡng đức trong suốt cuộc đời, nên ông sống trên 100 tuổi, khỏe mạnh và tinh thông khiến ông tiếp tục chữa bệnh cứu người, nghiên cứu y học và viết sách.

Ghi chú:

Tinh, Thần và Khí là ba khái niệm quan trọng trong y học cổ truyền và triết học phương Đông, thường được đề cập đến khi nói về sức khỏe và sự cân bằng của con người. Mỗi khái niệm đại diện cho một khía cạnh của cuộc sống và sức khỏe.

Tinh (精): Tinh là nguyên tố vật chất cơ bản của cơ thể, bao gồm các chất dinh dưỡng, hormone và năng lượng. Tinh chất được hình thành từ việc tiêu hóa thức ăn và hô hấp, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và phát triển cơ thể. Chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất và lượng giúp cung cấp đầy đủ tinh chất cho cơ thể.

Thần (神): Thần đại diện cho tinh thần, trí tuệ và cảm xúc của con người. Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe toàn diện, gồm sự ổn định cảm xúc, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. Việc giữ tâm trạng lạc quan, thư giãn, rèn luyện trí tuệ và giải tỏa căng thẳng đều là những yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khỏe tinh thần.

Khí (氣): Khí là khái niệm về năng lượng sinh học trong cơ thể, gắn liền với hô hấp và tuần hoàn máu. Khí giúp duy trì sự sống và hoạt động của cơ thể, đồng thời cân bằng các chức năng nội tạng. Việc tập luyện thể dục thể thao, hít thở sâu và giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh đều giúp tăng cường khí và duy trì sức khỏe.

Nhằm đạt được sức khỏe toàn diện, cần chú ý đến việc duy trì sự cân bằng giữa Tinh, Thần và Khí. Một lối sống khoa học, điều độ và chăm sóc bản thân một cách toàn diện sẽ giúp con người có được sức khỏe tốt, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

1. DƯỠNG THÂN – TINH

Tinh là các chất tinh hoa nuôi dưỡng con người. Cơ thể là một bộ máy trao đổi chất với thiên nhiên bằng cách ăn uống, hít thở. Các chất ăn uống qua tiêu hóa thành cốc khí, không khí được hít thở, cung cấp tông khí qua bộ máy hô hấp; cốc khí và tông khí kết hợp, cùng trở thành tinh chất nuôi cơ thể. Chính vì vậy, trong dưỡng thân, có rất nhiều yếu tố cần chú ý, như giấc ngủ, thói quen sinh hoạt, ăn uống hay vận động.
Giấc ngủ là yếu tố đầu tiên trong dưỡng sinh. Trong khi ngủ nếu có tư tưởng, tâm không thể an, không được vừa nằm vừa suy nghĩ trăn trở, rất dễ hao tổn tinh thần. Thời gian ngủ nên từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng. Giờ Tý (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng) mất ngủ, thủy thận tất thiếu, tâm thận có liên hệ tương hỗ, thủy thiếu ắt hỏa vượng, rất dễ tổn hại tới tinh thần. Nên dậy sớm vào giờ dần (3 giờ đến 5 giờ sáng), lúc này tuyệt đối cấm tức giận, nếu không thì sẽ tổn thương phổi và gan, nhất định phải chú ý. Ngoài ra, giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) thuộc về tâm, giờ này có thể tản bộ 15 phút, nhắm mắt dưỡng thần, tâm khí ắt khỏe mạnh.
Về ăn uống, việc ăn quá kiểm soát không chỉ không tăng khí huyết mà sẽ trở thành chất thừa ứ đọng trong cơ thể, đồng thời còn phải tiêu tốn khí huyết để làm sạch chúng. Lục phủ ngũ tạng là một công xưởng sản xuất khí huyết, thức ăn là nguyên liệu, năng lực sản xuất là có hạn, còn thức ăn là vô hạn, vì thế nên phải kiểm soát lượng thức ăn. Tốt nhất, nên phải giữ mức độ đói và khát nhất định mới là có lợi cho dưỡng sinh.
Về vận động, đi bộ là cách để tâm nghỉ ngơi, tâm được nghỉ ngơi thì thần sẽ an, thần an thì khí sẽ tự nhiên đủ mà đủ khí thì máu huyết sẽ mạnh, khí huyết lưu thông, có bệnh tự nhiên sẽ khỏi, không đủ thì có thể bổ sung. Tâm tĩnh thì thần kinh sẽ tỉnh táo, tỉnh táo thì cơ thể linh hoạt, người có thể tĩnh tâm sẽ có được rất nhiều lợi ích. Vào những giờ phù hợp, có thể đi bộ 15 phút, để mắt nghỉ ngơi, dưỡng thần thì tâm khí sẽ mạnh.
Chữa bệnh không thể vội vàng. Gấp gáp sinh ra hỏa, hỏa vượng thì tổn hao khí, như thế càng không tốt cho cơ thể. Ngoài ra không được tham nhiều, tham thì không ổn định và gấp gáp, bệnh đều do tham mà ra, không được tham để rồi bệnh nặng hơn. Đôi khi bị tiêu chảy, hắt hơi, ho, sốt đều là việc của hệ thống phục hồi trong cơ thể. Đừng cứ hễ xuất hiện những triệu chứng này là dùng thuốc, nếu không những loại thuốc này sẽ phá hủy chức năng tự phục hồi của cơ thể. Một khi chức năng này suy yếu hoặc mất đi thì bạn sẽ phải phụ thuộc vào những loại thuốc này. Do đó, chỉ cần triệu chứng không nghiêm trọng, cách tốt nhất là tĩnh dưỡng, an tâm, tĩnh khí để hệ thống phục hồi của cơ thể hoàn thành công việc phục hồi, trị bệnh.

2. DƯỠNG KHÍ – KHÍ

Khí là một dạng của năng lượng mà tồn tại cả bên trong và bên ngoài cơ thể người. Chất lượng của khí được phân loại thành hai nhóm chính: âm và dương. Âm và dương là những năng lượng đối lập nhưng tồn tại một cách độc lập. Khí dương cần sự nuôi dưỡng của khí âm để hoạt động, và khí âm cần chức năng của khí dương để được tạo ra và sử dụng.
Khi khí âm bị suy, khí dương sẽ thịnh. Điều này có thể diễn hoá thành những triệu chứng giống như nóng nảy, đổ mồ hôi đêm, lo lắng, khó ngủ, cao huyết áp, và táo bón. Khi khí dương bị suy, khí âm thịnh, có thể biểu hiện bằng sự tăng cảm giác lạnh lẽo, mệt mỏi, tiêu chảy, trao đổi chất bị chậm lại, ứ nước, tụt huyết áp, và vận động thần kinh chậm chạp.
Nhân sinh lấy khí huyết lưu thông làm chủ, khí ứ đọng có thể ngăn trở huyết, máu huyết bị ngăn trở có thể tích độc thành nhọt thành bệnh, thành u thành ung thư, tất cả đều là do huyết khí không thông tạo thành. Khí lấy thuận làm chủ, huyết lấy thông làm suôn sẻ. Căn nguyên bách bệnh đầu tiên đều do khí tắc, do đó, để chữa những căn bệnh này, trước tiên phải chữa khí.
Đa phần hiện tượng bệnh đều là biểu hiện của việc điều tiết, làm sạch chất thừa trong cơ thể, đây là trạng thái tự điều tiết cân bằng của cơ thể, vì vậy nên xem chúng là hiện tượng sinh lý bình thường chứ đừng xem chúng là nguyên nhân gây bệnh để rồi tiêu diệt. Vì thế khi bị bệnh, nhất định không được có tâm lý bực dọc, phải bình tĩnh, tâm lý ổn định thì khí sẽ thuận, khí thuận thì máu huyết lưu thông, rồi mọi thứ bệnh sẽ tiêu biến.
Một trong những điểm quan trọng trong điều tiết khí chính là giữ tâm lý ổn định. Con người có bảy loại tâm trạng: Hạnh phúc, giận dữ, lo lắng, cô đơn, buồn bã, sợ hãi và hốt hoảng.
Nếu không kiểm soát tốt cảm xúc có thể dẫn đến rối loạn khí. Chẳng hạn, khi người ta cực kỳ hạnh phúc, khí ở tim của họ bị đình trệ và tâm của họ trở nên rối loạn. Tim sẽ đập nhanh, xuất hiện chứng mất ngủ và mất cân bằng về tâm thần. Khi người ta hoảng hốt, khí ở tim trở nên rối loạn, gây ra hoang mang, hồi hộp, mất ngủ, lo lắng và thậm chí là rối loạn tâm thần. Khi người ta giận dữ, sẽ dẫn đến gia tăng khí, khiến họ trở nên mất kiên nhẫn, đau đầu, đỏ mặt hay thậm chí ngất xỉu. Điều này có thể tác động đến tỳ vị, làm gia tăng những triệu chứng như nôn mửa và mất ngon miệng. Khi quá buồn bã, người ta sẽ mất giọng và không thể nói với khí lực sung mãn, trở nên chán nản, tức ngực, khó thở, đó gọi là “buồn bã gây ra mất khí”, “lo lắng làm xấu khí”. Khi quá sợ hãi, người ta sẽ trở nên xanh xao, hoa mắt chóng mặt hay thậm chí suy sụp.
Tuy nhiên, để có thể điều tiết được cảm xúc, một yếu tố quan trọng nhất cần làm được, chính là dưỡng tâm dưỡng tính.

3. DƯỠNG TÂM – THẦN

Cổ nhân cho rằng điều quan trọng nhất của dưỡng sinh là dưỡng tâm. Dưỡng tâm là ngọn nguồn của dưỡng sinh, nếu một người chỉ coi trọng dưỡng thân mà xem nhẹ việc dưỡng tâm thì thân thể sẽ khó đạt được như mong muốn. Đó là bởi vì sinh lý và tâm lý của con người là có liên quan mật thiết với nhau. Tâm lý cũng tức là tinh thần của con người.
Mọi loại thuốc chữa bệnh đều là chữa bề nổi, không chữa được căn nguyên, dù là Đông y hay Tây y. Căn bản của sức khỏe là ở tâm. Mọi phương pháp đều sinh ra từ tâm, tâm tịnh, cơ thể sẽ tịnh, vì vậy nếu bị bệnh, đừng cứu chữa bên ngoài, hãy dựa vào hệ thống phục hồi của cơ thể để chữa bệnh.
Trong phép dưỡng sinh của người xưa, vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn; nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và bệnh tật không thể phát sinh.
Cơ thể bị bệnh là do tâm suy yếu, tà bên ngoài xâm nhập. Mà tâm suy yếu là do tâm hồn hỗn loạn, cơ thể không khỏe, có nhiều điều bất an. Ham ăn, ham thắng, ham được, ham vui là đủ để gây bệnh. Không có được những điều ham muốn, đây gọi là sân. Tham và sân sẽ khiến lòng không yên, khí không ổn định, ảnh hưởng đến gan mật, chấn động kinh mạch, rối loạn ngũ tạng, lúc này những cái không tốt bên ngoài sẽ xâm nhập vào, đây chính là nguyên nhân gây bệnh.
Tâm và thần bất an, tính tình bồn chồn là nguyên nhân chính gây bệnh. Tâm ổn định thì khí hòa, khí hòa thì máu lưu thông, tuần hoàn máu tốt thì tinh túc và thần vượng. Những ai có tinh thần khỏe mạnh, sức đề kháng trong cơ thể mạnh mẽ, bệnh sẽ tự nhiên mất đi. Có thể nói rằng, để chữa bệnh thì chủ yếu là ở dưỡng tâm.
Trên thực tế, dưỡng thân, dưỡng khí và dưỡng tâm không hề tách rời mà gắn liền với nhau. Con người cầu trường thọ, trước tiên phải xua đuổi bệnh tật. Muốn chữa bệnh thì phải dùng khí. Muốn dùng khí một cách đúng đắn thì phải dưỡng tâm dưỡng tính trước. Đó cũng là lý do tại sao trong Đông y coi cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh chính là dưỡng tâm.

Nguồn sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *