Học lõm, thì học 1 phần của chuỗi kiến thức

(Viết cho học trò – bài rất dài, chịu khó đọc kỹ, người lạ vui lòng lướt qua).
CÁC TẦNG LÀM CHỦ (tiếp)
Tầng 2 – Kiếm tiền chẵn:
Có những người, sau một hành trình dài (thậm chí là rất dài) buôn bán nhưng chỉ kiếm được tiền lẻ, chợt giật mình tự hỏi: cả cuộc đời mình cắm đầu vô cái quán, với bao nhiêu sự đánh đổi lẫn hi sinh từ tuổi trẻ đến sức khỏe, từ gia đình đến những mối quan hệ xã hội… để rồi cuối cùng mình tích lũy được gì ngoài những đồng tiền lẻ chỉ tạm đắp đổi qua ngày? Trong khi ấy, lại thấy xung quanh – những người cũng kinh doanh ăn uống như mình, nhưng sao họ nhàn vậy? Họ cũng như mình nhưng sao khách họ đông hơn, họ kiếm được nhiều tiền hơn, họ mở mang nhiều cửa hàng hơn, dù họ ra sau mình?
Cũng có người, sau bao tâm huyết lẫn tiền của đổ ra, khách ngày càng thưa thớt, nhân viên làm việc với tinh thần bạc nhược, quán xá ngày càng xuống cấp, tiền đổ ra đầu tư không những không thể thu hồi mà thậm chí cứ phải bù lỗ triền miên chứ đừng nói đến tiền lẻ nữa, trong khi đối thủ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, thị phần ngày càng hẹp và bế tắc với cạnh tranh?
Vậy vấn đề chính nằm ở đâu?
Có 4 nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ Tư duy quản trị gia đình đã dẫn đến những hậu quả nặng nề trên và họ chỉ cần quyết tâm triệt tiêu nó, họ không chỉ phục hồi mà còn đàng hoàng bước lên tầng thứ 2 – tầng kiếm tiền chẵn.
• TIN: họ chỉ tin mỗi bản thân họ, nên phải luôn đề phòng và thủ thế với chính nhân viên của mình, từ đây mà mọi hoạt động của doanh nghiệp đều xoay quanh họ, họ vắng mặt là cái quán phải đóng cửa, vì mọi công thức, “bí quyết” chỉ mỗi họ nắm nên hoàn toàn không ai có thể thay thế được. Mọi hoạt động cũng do chính họ giám sát, chỉ đạo, điều hành vì chỉ có vậy họ mới… yên tâm! Từ đây, khái niệm ” đội ngũ kế thừa” hoàn toàn trống vắng trong từ điển cuộc đời của họ.
• GIAO: cũng vì không tin nên chẳng thể giao những công việc quan trọng cho ai gánh vác thay, để rồi dù nhân sự có đông đến đâu thì trăm công ngàn việc cũng phải về tay họ, thử hỏi bao nhiêu thời gian, sức khỏe cho đủ để làm?
• GIÁO: vì việc kinh doanh của học không bắt đầu bằng sự HỌC đầy đủ và nghiêm túc, số đông vẫn bắt đầu bằng học lóm, học lỏm, nếu có chăng thì cũng chỉ học nghề nấu ăn hoặc pha chế để có công thức, chứ rất hiếm khi họ học cách KD, mà học nghề nó khác học KD nhiều lắm, rồi họ học từ chính kinh nghiệm của chính mình đã là nhiều lắm rồi, thời gian lớn họ vùi đầu với công việc, lấy đâu ra cơ hội để nâng cấp bản thân bằng việc học cách kinh doanh, cách quản trị lẫn quản lý (đấy là với những người cầu thị và hiếu học)! Còn số đông – với tư duy an phận, tính cách bảo thủ, tự cao tự đại… họ càng không có lý do lẫn động lực để đi học, bởi họ luôn có rất nhiều lý do “chính đáng” để từ chối tiếp cận kiến thức mới. Cũng có người đã từng cắp sách đi học, xui xẻo gặp phải thầy bà trời ơi đất hỡi, bị lùa bị thao túng… đâm ra càng củng cố niềm tin rằng ” không nên tin ai – ngoài bản thân mình”. Từ đó, dù có muốn dạy lẫn truyền đạt cho cấp dưới, họ cũng không có khả năng xây dựng nội dung, đóng gói chương trình, nắm được phương pháp đào tạo, cho nên ở phần này ngoài việc hét hò, cầm tay chỉ việc là… hết cách.
• CHUYỂN: đã không TIN, không GIAO & không thể GIÁO được, thì càng không thể chuyển vai trò cho người khác thay thế, càng không thể chuyển những cái “bí quyết” kia để mở mang, phát triển và tất nhiên – dù xu hướng ngành nghề lẫn nhu cầu khách hàng có thay đổi đến đâu thì bản thân họ, đội ngũ và doanh nghiệp của họ vẫn chỉ đứng yên một chỗ chứ không thể dịch chuyển lên một tầm cao mới, một phiên bản mới được.
Mình đã từng tiếp xúc với rất nhiều người như thế này và mình cũng đã chẩn đoán lẫn chữa lành rất nhiều case như vậy.
Nên nếu muốn kiếm tiền chẵn, bạn sẽ phải thay đổi tư duy từ Quản trị Gia đình => Quản trị Hệ thống, bạn phải dịch chuyển cái Tư tưởng con buôn => Tâm thế doanh nhân, bạn cần phải nghĩ lớn nhưng thực hiện từng bước nhỏ một cách chỉnh chu với sự chuyên nghiệp chứ đừng làm cho hoành tráng nhưng bằng cái tư duy nhỏ vụn vặt, cái thói quen tiểu thương.
Bạn phải ý thức được rằng, dù có vùi cả cuộc đời mình vào cái quán cũng chẳng tích lũy hay mở mang được gì nếu luôn từ chối sự học để hiểu sâu hơn về quản trị lẫn quản lý, từ lý thuyết đến thực chiến, từ chiến lược đến thực thi, từ kế hoạch đến triển khai, từ đo lường kết quả đến đánh giá hiệu xuất, từ rối rắm đến đơn giản, từ kiểm soát thủ công đến số hóa tự động.
Thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử từ chính mình đi…, tiền sẽ về rất nhiều với bạn bởi sự quản trị tinh gọn, tối ưu vận hành, kiểm soát chi phí, độ lớn thương hiệu, gia tăng khả năng đàm phán với nhà cung cấp, thu hút người lao động tay nghề cao, niềm tin khách hàng lẫn lợi điểm cạnh tranh… chính là cách kiếm tiền chẵn và bền vững.
 
 
Nguồn: Thầy Nhật 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *